TIN TỨC SỰ KIỆN

Sinh viên Khoa Quản lý Nhà nước trải nghiệm nghề nuôi nghêu tại xã Thừa Đức, tỉnh Bến Tre

Bến Tre nằm ở mảnh đất cuối nguồn của hệ thống sông Cửu Long tiếp giáp với biển Đông qua bốn cửa biển gồm Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên. Với bờ biển dài 65 km và vùng lãnh hải rộng hơn 26.000 km2, hệ đa dạng sinh học vùng cửa sông ven biển phong phú là điều kiện thuận lợi để nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản tại đây phát triển.

Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tâm hiện đang quản lý hơn 220 hecta bãi sò giống nằm trên bãi biển Thừa Đức. Đây là nơi cung cấp sò huyết giống cho người nuôi sò trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, vào khoảng tháng 5 đến tháng 6 là mùa sò huyết đẻ trứng, thu hoạch sò huyết giống. Do đó, công tác quản lý, bảo quản nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này luôn được chính quyền, ngành chức năng đặc biệt quan tâm.

Cùng với sò huyết, vùng nước ở đây còn thích hợp với một loài thủy sản khác là con hàu. Người dân không phải mất nhiều tiền mua con giống, lại không mất tiền thuê mặt nước, cải tạo ao hồ như nhiều nghề nuôi khác, chỉ cần làm các giàn nuôi, có phao nổi là có hàu tự nhiên bám vào. Giàn nuôi hàu thường được dựng bằng các thùng nhựa cỡ lớn ghép lại, khoảng 15 tới 20 thùng tùy theo kích cỡ giàn. Mặc dù có thời gian sinh trưởng khá lâu, đến 6-7 tháng mới cho thu hoạch, nhưng con hàu lại mang đến lợi nhuận lớn. Với vốn đầu tư không quá nhiều, chủ yếu nhờ vào nguồn lợi hàu giống thiên nhiên, những hộ dân nuôi hàu ở đây có thể kiếm được thu nhập khá từ loài sản vật này. Khác với nghêu, sò có giá bán bình dân, hàu (nhất là hàu sữa) có giá trị kinh tế cao hơn. Giá hàu bán thường khoảng 18.000 đồng/kg cả vỏ, nếu hàu tách ruột thì giá bán có thể đến khoảng 180.000 đồng/kg. Riêng hàu sữa, chất lượng tốt giá thường gấp 1,5 lần so với hàu thịt.

Xã Thừa Đức có trên 14km bờ biển. Dòng thủy triều ra vào các cửa sông nên tạo thành hàng ngàn hecta bãi bồi, rất thuận lợi để cho con nghêu sinh sống và phát triển, đây là một trong những nguồn thủy sản mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện nói chung và của xã Thừa Đức nói riêng. Chính vì vậy, trong thời gian qua dưới sự quan tâm của các ngành, các cấp, Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tâm luôn cố gắng bảo vệ, quản lý và khai thác có hiệu quả nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương và ổn định đời sống người dân. Từ năm 1980 trở về trước nghề nuôi nghêu hãy còn là nghề tự phát, người dân nơi đây chỉ dựa vào các bãi nghêu giống tự nhiên thu nhặt về làm thực phẩm hoặc bán lẻ ở các chợ nông thôn. Từ các bãi nghêu giống tự nhiên ở Thạnh Phong – Thạnh Phú, Thới Thuận, Thừa Đức – Bình Đại, nghêu được thu nhặt và mang đi nuôi ở các khu vực lân cận với quy mô, sản lượng phát triển lớn dần theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ ở một vài quốc gia của Châu Á dưới dạng sản phẩm nghêu cấp đông. Do đặc điểm con nghêu là nguồn tài nguyên sinh học có khả năng tái tạo nhưng rất dễ bị tổn thương, nguồn lợi có thể bị cạn kiệt, môi trường thiên nhiên sẽ suy thoái nếu cộng đồng ngư dân không gắn liền việc khai thác sử dụng với bảo vệ nguồn lợi. Mặt khác, con nghêu còn là mặt hàng thủy sản xuất khẩu có giá trị nếu đảm bảo các nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua hệ thống kiểm soát chất lượng được quốc tế công nhận. Đối với cộng đồng ngư dân nghèo ven biển, con nghêu còn là đối tượng phát triển phù hợp với mục tiêu xóa đói giảm nghèo bởi đặc tính dễ nuôi, ít dịch bệnh và vốn đầu tư thấp. Năm 2009, nghề sản xuất và quản lý khai thác nghêu Bến Tre đã chính thức được Hội đồng quản lý biển quốc tế MSC (Marine Stewardship Council) – Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên WWF (World Wide Fund of Nature) cấp chứng nhận đạt tiêu chí MSC. Đây là ngành ngư nghiệp đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đạt được chứng nhận sản phẩm thủy sản sinh thái chất lượng quốc tế. Trong xu hướng toàn cầu về sử dụng nhãn sinh thái như là một công cụ để quản lý nghề cá, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc quảng bá giấy chứng nhận MSC của Hội đồng Biển Quốc tế trong thời gian qua. Đến năm 2018, Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tâm đã phối hợp thực hiện xây dựng chuỗi liên kết nghêu bền vững do Dự án AMD Bến Tre tài trợ, góp phần nâng cao sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào thị trường các nước EU. Giá nghêu khá ổn định, giá bán tại bãi thường từ 12.000 đồng – 17.000 đồng/kg nghêu thịt, giúp cho đời sống của người nuôi được cải thiện. Tính đến tháng 5/2022,  Hợp tác xã với hơn 9.000 hộ thành viên, với gần 1.500 tấn nghêu, giải quyết công việc cho hơn 36.000 lượt lao động. Các loài thủy hải sản là nguồn tài nguyên quý giá ưu đãi cho địa phương, do đó các ngành, các cấp luôn cố gắng bảo vệ các nguồn lợi thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế địa phương và ổn định sinh kế cho người dân./.

Hình 1. Đường ra bãi nuôi nghêu của Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tâm, Thừa Đức

Hình 2. Xã viên tiến hành thu hoạch nghêu

Hình 3. Sinh viên Khoa Quản lý nhà nước – UEH trải nghiệm thu hoạch nghêu

Hình 4. Nghêu được vận chuyển lên phương tiện sau thu hoạch

Tin, ảnh: Khoa Quản lý Nhà nước.

Nguồn tư liệu: Tổng hợp.

Tin liên quan

ĐH Kinh tế TP HCM đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực công

Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) tích cực liên kết quốc tế để đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu...

Đại học Kinh tế TPHCM: Nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công ở Việt Nam

Với bề dày gần 50 năm hình thành và phát triển, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Đại học Kinh tế...

Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Quản lý Nhà nước – Những đóng góp vượt bậc cho khu vực công tại phía nam đất nước

Ngày 24/02/2024, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Quản lý Nhà nước. Đây...

Chương trình thiện nguyện và kết nối cộng đồng “Ánh Nắng Mùa Xuân 2024” nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Quản lý Nhà nước (2014 – 2024)

Nằm trong chuỗi sự kiện Chào mừng Kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Quản lý Nhà nước (27/02/2014-27/02/2024), vào sáng ngày 17/02/2024 tại trụ sở UBND xã Hòa Xuân...

Mô hình đại học đô thị: Nghiên cứu trường hợp Đại học Công lập Portland

Bài viết trích đăng lại từ bài báo của nhóm tác giả, nội dung bài viết gốc tại đây: https://js.vnu.edu.vn/ER/article/view/4764 Lê Vĩnh Triển1,*, Julia Badcock2   1Đại học Kinh tế...

Đoàn sinh viên Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH và Phân hiệu Vĩnh Long tham gia chương trình trao đổi học thuật và giao lưu văn hóa tại Đại học Khon Kaen, Thái Lan (KKU)

Ngày 20/12/2023 đến ngày 28/12/2023, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) và Đại học Khon Kaen, Thái Lan (KKU) đã phối hợp tổ chức chương trình...