Tìm hiểu mô hình du lịch cộng đồng tại Bến Tre
Ngày 27/4/2023 vừa qua, sinh viên khoa Quản lý Nhà nước đã có buổi ngoại khóa để tìm hiểu mô hình du lịch cộng đồng tại xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Mục đích của chuyến đi này nhằm giúp sinh viên khám phá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, một mô hình phát triển không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp phát huy các giá trị văn hóa và bảo tồn môi trường tự nhiên.
Hình 1: Sinh viên tham quan mô hình nhà cộng đồng tại địa phương
Với lợi thế nằm ở cửa biển và có bãi biển dài 8km, ở đây có 542 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, sản lượng hàng năm ước đạt hơn 5.000 tấn/năm. Môi trường nước ở cửa biển nhiều phù du, trong lành đã trở thành nơi thuận lợi cho nghêu, sò sinh sôi phát triển. Nghêu ở đây được khai thác theo mô hình đồng quản lý và đạt tiêu chuẩn MSC. Các sản phẩm thủy sản nổi tiếng này là một trong những điểm nhấn của địa phương.
Hình 2: Sinh viên tìm hiểu các mô hình nuôi trồng thủy sản
Về canh tác nông sản, người dân địa phương trồng nhiều sản phẩm nổi tiếng, có chất lượng như như củ sắn, củ cải trắng, dưa hấu, dưa lưới. Ngoài ra, ở đây còn có nhiều vườn cây ăn trái và các sản phẩm đặc trưng như mật ong tự nhiên, mật ong sữa chúa, v.v.v. Các hình thức sản xuất này đều có tiềm năng để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch canh nông.
Hình 3: Tham quan các vườn cây ăn trái tại địa phương
Ngoài những lợi thế về tự nhiên thì nơi đây còn có kho tàng về ẩm thực, về văn hóa nghệ thuật dân gian phong phú. Trong suốt quá trình phát triển, cư dân sinh sống ở đây đã hình thành các câu lạc bộ nấu ăn, câu lạc bộ đờn ca tài tử, mang lại những làn điệu dân ca ngọt ngào và đem lại lợi thế để phát triển các mô hình du lịch văn hóa.
Hình 4: Phụ nữ ở địa phương trong cuộc thi sử dụng nông, thủy sản của địa phương để chế biến các bữa ăn
Gắn với những lợi ích du lịch cộng đồng mang lại là những khó khan, thách thức đối với việc bảo vệ môi trường. Thông thường, lồng ghép vào các chuyến tham quan là các hoạt động trồng rừng và các bài học về phát triển bền vững. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân cũng như du khách trong việc bảo vệ môi trường sống.
Hình 5: Sinh viên được giới thiệu về cách trồng rừng được tại địa phương.
Nhằm phát huy những lợi thế tại xã Thừa Đức, chính quyền địa phương và các tổ chức NGO đang cùng phối hợp, giúp địa phương phát phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Từ đầu năm 2021, Trung tâm (FACOD), trực thuộc Hội nghề cá Việt Nam, đã tổ chức “Lễ Khởi động Dự án Xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại vùng ven biển xã Thừa Đức, huyện Bình Đại”. Tiếp đến trong quá trình xây dựng phát triển, tổ chức “Quỹ môi trường toàn cầu GEF” và “Chương trình tài trợ các dự án nhỏ SGP” đã tài trợ đầu tư 50.000 USD kinh phí để thực hiện dự án.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng tại đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân là do thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn, cơ sở hạ tầng và công tác marketing còn hạn chế. Hiện địa phương vẫn đang kêu gọi các nhà đầu tư và các tổ chức trong và ngoài nước cùng chung tay hỗ trợ người dân phát triển mô hình đầy tiềm năng này.
Tin và ảnh: Khoa Quản lý nhà nước.