TIN TỨC SỰ KIỆN

Nguồn Nhân Lực Chất Lượng Cao Cho Sự Phát Triển Bền Vững Vùng Đông Nam Bộ (Kỳ 2): Định Hướng Phát Triển Nguồn Nhân lực Chất Lượng Cao

Nhân lực được xem là một trong những nguồn lực quan trọng nhất của quốc gia, giữ vai trò quyết định đối với sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Để phát triển Vùng Đông Nam Bộ theo quy hoạch của Nghị quyết 24/NQ-TW, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn liền với lợi thế cạnh tranh của Vùng cần được tiến hành theo quy hoạch. Dựa trên các phân tích thực trạng ở kỳ 1 bài viết, nhóm tác giả đã đề xuất một số định hướng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cho Vùng Đông Nam Bộ ở kỳ 2. 

Các cách tiếp cận về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển Vùng Đông Nam Bộ  

*Tiếp cận theo lý thuyết tăng trưởng

Các lý thuyết tăng trưởng hiện đại đều nhấn mạnh vai trò của chất lượng nguồn nhân lực hơn là số lượng. Như vậy, cung lao động được hiểu rộng hơn là vốn con người, bao gồm cả yếu tố về kỹ năng, tri thức của người lao động. Do đó, cần phát triển nguồn nhân lực theo hướng cần gia tăng vốn con người hơn là số lượng lao động. So với cả nước, số liệu thống kê riêng cho từng địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ ở Hình 9 cho thấy TP.HCM là địa phương có lực lượng lao động đã qua đào tạo cao nhất, ở mức 38,71% (năm 2020), tiếp đến là Bà Rịa – Vũng Tàu với tỷ lệ 30,07%. Tuy nhiên, chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp. Kỹ năng người lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ cao hơn Indonesia, Lào, và kém rất xa so với nhóm ASEAN-4 (Hình 10).

Hình 9. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo tại địa phương. Nguồn: Tác giả tổng hợp từ dữ liệu của Tổng Cục Thống Kê (2022)

Hình 10. Chất lượng của người lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực. Nguồn: CIEM (2021)

*Tiếp cận từ nhu cầu thực tế 

Nói đến chất lượng nguồn nhân lực thì một trong những vấn đề thường được nhắc đến nhiều là vai trò của hệ thống giáo dục đào tạo. Việc người lao động đã qua đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cần được phân tích sâu sát để giải quyết  gốc rễ của vấn đề. Theo Puckett và cộng sự (2020), hệ thống giáo dục vẫn đào tạo người lao động theo mô hình của thế kỷ 20: giáo dục chuẩn hoá và một công việc cho cả đời trong khi thế giới ngày nay đã thay đổi hoàn toàn. Sự thay đổi công nghệ và chuyển đổi thị trường đang diễn ra đòi hỏi tư duy linh hoạt, học hỏi nhanh và liên tục cũng như tính di động. Thay vì tiêu chuẩn hóa đại chúng như trước đây, giáo dục cần hướng tới tính độc đáo của đại chúng và lấy con người làm trung tâm. Việc phát triển nguồn nhân lực của các địa phương cần tập trung vào nhu cầu thực tế và định hướng phát triển Vùng đã đề ra.

Cụ thể, Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, có chọn lọc, chuyển dịch mạnh từ công nghiệp khai thác sang công nghiệp chế biến, chế tạo, thân thiện với môi trường. Dịch vụ chú trọng vào mũi nhọn là du lịch, cảng biển, logistic. Nông nghiệp phát triển với mũi nhọn là ngư nghiệp (67,23%) và nông nghiệp (32,48%). Tương tự, Bình Dương ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thông tin và viễn thông, điện – điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghệ sinh học, điện tử y sinh, sản xuất phần mềm, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đối với dịch vụ, phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số. Riêng nông nghiệp, tái cơ cấu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học – công nghệ dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và tiếp tục phát triển 04 ngành công nghiệp trọng điểm: cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin, hóa dược – cao su, và chế biến tinh lương thực thực phẩm. Đối với dịch vụ, thành phố tập trung vào 9 ngành dịch vụ trọng yếu, đặc biệt phát triển 4 ngành có lợi thế là: thương mại (16,4%), tài chính ngân hàng (10,1%), vận tài kho bãi (8,7%) và hoạt động chuyên môn, và khoa học công nghệ (5,3%). Xuất phát từ thực tế chuyển dịch cơ cấu kinh tế và định hướng phát triển của Vùng, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần dựa trên yêu cầu phát triển bền vững với lợi thế cạnh tranh về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vùng có thể phát triển nguồn nhân lực tập trung vào các ngành mũi nhọn là: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phần mềm, nội dung số; dịch vụ du lịch, ngành dịch vụ cảng biển và logicstic, tài chính ngân hàng, giáo dục y tế và ngành nông nghiệp công nghệ cao.

Thực tế này dẫn đến yêu cầu đào tạo người lao động để kiến thức và kỹ năng không quá lạc hậu, nhưng không thể hoàn toàn xoá bỏ khoảng cách giữa kiến thức học đường và thực tế. Do đó, người lao động phải được rèn luyện thái độ học tập tốt để có thể tự học, học tập suốt đời và nhanh chóng thích nghi với mọi hoàn cảnh.

*Khả năng cung ứng nguồn nhân lực qua đào tạo 

Trong bối cảnh của các cuộc cách mạng khoa – công nghệ và xu hướng chuyển dịch kinh tế của các địa phương thì công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm cung cấp các kiến thức nền tảng, kiến thức khoa học và kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động có vai trò quan trọng. Tại Vùng Đông Nam Bộ, ngoài 2 tỉnh là Bình Phước và Tây Ninh chưa có trường đại học, số lượng giảng viên của 4 tỉnh thành còn lại vào năm 2020 là 22.068 giảng viên, chiếm tỷ lệ 28,82% số giảng viên của cả nước, trong đó chủ yếu công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Thống kê số lượng sinh viên đang học tại các trường đại học vào năm 2020 trong Hình 11 cho thấy hiện sinh viên đang theo học tại các trường trong Vùng Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ 34,19% so với số sinh viên của cả nước. Nếu so với tỷ lệ 18% lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hoặc so với 18,8% dân số theo địa phương tại Vùng Đông Nam Bộ cho thấy khu vực này có tỷ lệ đào tạo bậc đại học cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước hoặc các khu vực khác. Mặc dù số lượng sinh viên được thống kê bao gồm sinh viên đến từ các tỉnh, thành khác nhưng trên thực tế, nhiều sinh viên ra trường sẵn sàng ở lại làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc Vùng Đông Nam Bộ.

Hình 11. Số lượng sinh viên tại các trường đại hôc thuộc Vùng Đông Nam Bộ. Nguồn: Niên Giám Thống Kê (2021)

Đề xuất định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Vùng Đông Nam Bộ 

*Đề xuất xây dựng đề án/kế hoạch/chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong quan điểm phát triển Vùng Đông Nam Bộ, phải coi trọng chiến lược về con người. Quan điểm này cần được cụ thể hoá trong các đề án phát triển nguồn nhân lực của địa phương đối với từng lĩnh vực và dự án phát triển. Cụ thể, các địa phương cần xác định nhu cầu đào tạo, thu hút nguồn nhân lực gắn với những cụm ngành nổi bật và lợi thế của địa phương thông qua điều tra nhu cầu thị trường, tổ chức các hội thảo, toạ đàm với các bên liên quan, bao gồm: doanh nghiệp – địa phương – cơ sở đào tạo. Doanh nghiệp chính là đối tượng hiểu rõ nhu cầu về nguồn nhân lực, vì vậy, họ có thể đưa ra những yêu cầu đào tạo bổ sung, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động một cách chính xác, hiệu quả nhất. Việc phát triển nguồn nhân lực gắn liền với việc khai thác, sử dụng nguồn lực tối ưu để thu hút và giữ gìn được nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuỳ vào đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương, đề án nguồn nhân lực chất lượng cao được cập nhật và điều chỉnh phù hợp, cả về nhu cầu lẫn chính sách thu hút và sử dụng nguồn nhân lực.

*Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua liên kết giữa các bên

Trên cơ sở nguồn lực đào tạo hiện có của địa phương, ưu tiên việc đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào việc đào tạo nguồn nhân lực theo hai hình thức đào tạo sau:

  • Phát triển đào tạo theo bằng cấp về các ngành, nghề theo đề án nguồn nhân lực dưới sự tài trợ của Nhà nước.
  • Phát triển đào tạo nghề nghiệp chuyên môn theo đề án nguồn nhân lực thông qua liên kết giữa doanh nghiệp, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Vùng.

Đi kèm với quá trình đào tạo là chi phí, đặc biệt là chi phí mua máy móc, trang thiết bị thực hành. Chính vì thế, để khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực thì cần các chính sách hỗ trợ, chính sách khuyến khích của Nhà nước và chính quyền địa phương đối với các cơ sở đào tạo. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò trung gian, gắn kết doanh nghiệp và nhà trường thông qua công tác dự báo nhu cầu nhân lực, cung cấp thông tin cho cơ sở đào tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cơ sở đào tạo gặp gỡ, trao đổi sâu về từng ngành nghề. Những yêu cầu từ doanh nghiệp được các cơ sở đào tạo cụ thể thành các mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra cũng như cập nhật chương trình đào tạo. Việc liên kết này cũng giúp cho người học có thêm kỹ năng làm việc.

Bên cạnh đó, việc liên kết nguồn nhân lực giữa các địa phương trong vùng là rất quan trọng và cần thiết với cơ chế mở, cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở tạo ra động lực nội tại kết hợp với hợp tác lao động trong và ngoài Vùng. Ngoài ra, Nhà nước cần sử dụng công cụ tài chính để phối hợp với các cơ sở đào tạo thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.

*Vai trò của cơ sở đào tạo trong việc xây dựng văn hóa học tập suốt đời, nâng cao dân trí

Học tập suốt đời thường được hiểu là cá nhân liên tục tiếp thu tri thức và kỹ năng trong suốt cuộc đời của mình bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau. Học tập suốt đời là phương thức hữu hiện nhất để gia tăng vốn nhân lực, điều này mang ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế. Trong bối cảnh công nghệ và tri thức thay đổi nhanh chóng, không ai có thể học một lần là đủ mà phải thường xuyên cập nhật tri thức mới, công nghệ mới. Không một trường đào tạo nào có thể trang bị đủ kiến thức cho người lao động để họ làm việc suốt đời. Người lao động cần phải học tập suốt đời để thích ứng với sự thay đổi nhanh này. Như vậy, về lâu dài, ngoài việc trang bị các kiến thức, kỹ năng có liên quan đến nghề nghiệp, đến công việc thì quá trình đào tạo cũng cần rèn luyện cho người lao động có phong cách, hành vi, thái độ nghiêm túc, tinh thần học tập suốt đời ngay từ khi còn là học sinh, sinh viên. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh toàn cầu, người lao động cần được định hướng về nhận thức, ý thức đúng đắn về lộ trình nghề nghiệp của bản thân. Để có tố chất này, các đơn vị đào tạo cần trang bị các kỹ năng tư duy và khả năng kiểm soát, khả năng định vị bản thân để người lao động có thể nâng cao năng lực tự học, tự thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của môi trường hướng đến phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của Vùng Đông Nam Bộ.

Xem toàn bộ bài nghiên cứu Nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển bền vững Vùng Đông Nam Bộ tại đây. 

Nhóm Tác giả: TS. Đinh Công Khải, TS. Nguyễn Văn Dư, TS. Nguyễn Lê Hoàng Thuỵ Tố Quyên, Khoa Quản lý nhà nước – Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #74 tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Nguồn: https://future.ueh.edu.vn/chi-tiet-knowlege/podcast-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-cho-su-phat-trien-ben-vung-vung-dong-nam-bo-ky-2-dinh-huong-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao/

Tin liên quan

ĐH Kinh tế TP HCM đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực công

Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) tích cực liên kết quốc tế để đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu...

Đại học Kinh tế TPHCM: Nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công ở Việt Nam

Với bề dày gần 50 năm hình thành và phát triển, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Đại học Kinh tế...

Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Quản lý Nhà nước – Những đóng góp vượt bậc cho khu vực công tại phía nam đất nước

Ngày 24/02/2024, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Quản lý Nhà nước. Đây...

Chương trình thiện nguyện và kết nối cộng đồng “Ánh Nắng Mùa Xuân 2024” nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Quản lý Nhà nước (2014 – 2024)

Nằm trong chuỗi sự kiện Chào mừng Kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Quản lý Nhà nước (27/02/2014-27/02/2024), vào sáng ngày 17/02/2024 tại trụ sở UBND xã Hòa Xuân...

Mô hình đại học đô thị: Nghiên cứu trường hợp Đại học Công lập Portland

Bài viết trích đăng lại từ bài báo của nhóm tác giả, nội dung bài viết gốc tại đây: https://js.vnu.edu.vn/ER/article/view/4764 Lê Vĩnh Triển1,*, Julia Badcock2   1Đại học Kinh tế...

Đoàn sinh viên Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH và Phân hiệu Vĩnh Long tham gia chương trình trao đổi học thuật và giao lưu văn hóa tại Đại học Khon Kaen, Thái Lan (KKU)

Ngày 20/12/2023 đến ngày 28/12/2023, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) và Đại học Khon Kaen, Thái Lan (KKU) đã phối hợp tổ chức chương trình...