TIN TỨC SỰ KIỆN

Mô hình đại học đô thị: Nghiên cứu trường hợp Đại học Công lập Portland

Bài viết trích đăng lại từ bài báo của nhóm tác giả, nội dung bài viết gốc tại đây: https://js.vnu.edu.vn/ER/article/view/4764

Lê Vĩnh Triển1,*, Julia Badcock2  

1Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, 59C Nguyễn Đình Chiểu,
Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
2Đại học Portland State, 1825 SW Broadway, Portland, OR 97201, Hoa Kỳ

Tóm tắt: Khác biệt với các đại học truyền thống vốn đã hình thành lâu đời nhằm tập trung giải quyết các vấn đề hàn lâm, phát triển lý thuyết, kể từ đầu thế kỷ 20, đại học đô thị đã phát triển từ ý tưởng các trường đại học – tọa lạc trong môi trường đô thị – cần có chức năng gắn kết và phát triển đô thị. Các đại học này được hình thành nhằm tận dụng nguồn lực và tính độc đáo của địa phương, cung cấp khả năng tiếp cận giáo dục đại học và hợp tác với các đối tác để giúp các đô thị thành công hơn trong mọi khía cạnh của đô thị. Ngày nay, với hơn 85% dân số Hoa Kỳ sống ở các khu vực đô thị, trọng tâm đô thị đã trở nên phổ biến trong giáo dục đại học. Ở Việt Nam, tỷ lệ dân số ở đô thị ngày càng tăng là tất yếu, sự phát triển, mở rộng đô thị là một quá trình động và đòi hỏi sự tập trung nghiên cứu cao độ. Các vấn đề về xây dựng hạ tầng đô thị, giao thông, thay đổi văn hóa sinh hoạt, xây dựng thể chế văn minh đô thị, sinh kế cho người dân trong quá trình chuyển đổi đô thị, pháp lý về các quan hệ, thị trường, các nhóm dân sự,… đòi hỏi sự hình thành các trung tâm học thuật và nghiên cứu tập trung cao độ vừa nêu. Trong khuôn khổ dự án Nâng cao năng lực địa phương (Strengthening Provincial Capacity – SPC) do cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ -USAID tài trợ, Khoa Quản lý Nhà nước thuộc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức địa phương (local institute) được chọn để tham gia các chương trình huấn luyện của dự án. Trước khi kết thúc dự án kéo dài hơn hai năm, tác giả thuộc Khoa Quản lý Nhà nước có chuyến làm việc tại Đại học Công lập Portland (Portland State University – PSU), đại học đô thị thành công điển hình. Việc trình bày một nghiên cứu sâu về chính PSU – một đại học nghiên cứu gắn kết địa phương – giải quyết các vấn đề lớn của thành phố Portland nói riêng, bang Oregon và Hoa Kỳ nói chung là mong muốn của nhóm tác giả nhằm giới thiệu mô hình đại học đô thị cho các đại học ở Việt Nam.

Từ khóa: Đại học đô thị; đô thị hóa; đặc trưng địa phương; mô hình đại học.

 

1. Mở đầu

Trong khuôn khổ dự án Nâng cao nâng lực địa phương (Strengthening Provincial Capacity – SPC) do cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (United States Agency for International Development-USAID) tài trợ, Khoa Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) là tổ chức địa phương (local institute) được chọn để tham gia các chương trình huấn luyện của dự án, để từ đó Khoa Quản lý Nhà nước sẽ phát triển các khóa huấn luyện, đào tạo, tư vấn cho chính quyền các địa phương, giúp nâng cao năng lực quản trị của họ. Trước khi kết thúc dự án kéo dài hai năm, đoàn công tác Khoa Quản lý Nhà nước, UEH có chuyến trao đổi và làm việc tại Đại học Công lập Portland (Portland State University – PSU), là đại học thực hiện dự án SPC. Trong quá trình làm việc và tìm hiểu Portland State University như một nội dung của dự án SPC, nhóm tác giả (cũng là thành viên của đoàn công tác Khoa Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) đã rất ấn tượng trước mô hình đại học thành thị của Đại học Công lập Portland cũng như trước những thành công của Đại học Công lập Portland với tư cách là một đại học nghiên cứu gắn kết địa phương – giải quyết các vấn đề lớn của thành phố Portland nói riêng, bang Oregon và Hoa Kỳ nói chung.

Ngoài ra sự tin tưởng lẫn nhau giữa Portland State University và cộng đồng (chính quyền và người dân) mà trong mối quan hệ đó, các nhà nghiên cứu của Portland State University gắn kết với cộng đồng và thực sự được xem (kính) trọng từ cộng đồng cũng là một đặc điểm dễ nhận ra tại Đại học Công lập Portland. Nhóm tác giả tìm hiểu và nhận ra mô hình Đại học Công lập Portland đặc biệt phù hợp với những nỗ lực và thực tế đại học ở Việt Nam, nhưng hoàn toàn chưa có định hướng ứng dụng. Việc tìm hiểu của nhóm tác giả diễn ra vào thời điểm Đại học Công lập Portland kỷ niệm 50 năm ngày ra đời của Kế hoạch trung tâm thành phố Portland [1], vốn là đại chiến lược đô thị của Portland. Trong kế hoạch này, vai trò của Đại học Công lập Portland đối với sự phát triển toàn diện của thành phố theo nghĩa rộng được xác định, Đại học Công lập Portland là đại học đô thị của Portland và cho Portland. Kế hoạch trung tâm Portland được cho là nền tảng để phát triển cả khu vực thành thị Portland và Đại học Công lập Portland. Sự trùng hợp này càng động viên nhóm tác giả UEH thực hiện nghiên cứu về trường hợp thú vị của mối liên kết đại học và thành phố Portland. Từ đó, nhóm tác giả đưa ra các đề xuất cho trường hợp Việt Nam.

Ngoài phần giới thiệu này, bài viết này gồm 4 phần. Trong phần thứ nhất, các tác giả giới thiệu khái quát về đại học thành thị (đô thị). Phần thứ hai sơ lược lịch sử chuyển biến của loại hình đại học này tại Hoa Kỳ. Phần 3 trình bày quá trình hình thành và phát triển gắn kết của Đại học Công lập Portland và thành phố Portland (cộng đồng dân cư và chính quyền). Trong Phần 4, các tác giả phân tích những lợi ích của việc áp dụng mô hình Đại học Công lập Portland ở các tỉnh thành Việt Nam hiện nay và mai sau cùng một số kết luận cho bài báo.

2. Khái quát về đại học đô thị (Urban University)

Khác biệt với các đại học truyền thống vốn đã hình thành lâu đời nhằm tập trung giải quyết các vấn đề hàn lâm, phát triển lý thuyết, kể từ đầu thế kỷ 20, đại học đô thị đã phát triển từ ý tưởng các trường đại học – tọa lạc trong môi trường đô thị lớn – là các trường đại học có chức năng là các tổ chức gắn kết với đô thị, cung cấp khả năng tiếp cận giáo dục đại học và hợp tác làm việc với các đối tác địa phương để giúp các đô thị thành công hơn trong mọi khía cạnh. Ngày nay, với hơn 85% dân số Hoa Kỳ sống ở các khu vực đô thị, trọng tâm đô thị đã trở nên gần như phổ biến trong giáo dục đại học.

Tuy nhiên, sự căng thẳng vẫn còn tồn tại trong giáo dục đại học giữa một bên là các trường đại học truyền thống với các chương trình nghiên cứu hàn lâm, và bên kia là các đại học định vị nơi thành thị và các vùng đô thị hóa vốn diễn ra không ngừng.

Câu hỏi trọng tâm để khẳng định bản sắc của trường đại học đô thị xoay quanh việc liệu các đại học này liên quan đến môi trường thành phố của nó một cách có chủ ý và tích hợp hay không [2, 3]. Vào những năm 1970, Ủy ban Carnegie đã tuyên bố, “Các trường đại học tốt không chỉ của mà còn các thành phố của họ” [3].

Ngày nay, các trường đại học đô thị đã mang các vấn đề đô thị vào các nghiên cứu kể cả hàn lâm và các trường đại học truyền thống đã cung cấp cho các thành phố lân cận những nghiên cứu và hỗ trợ có giá trị. Những quan niệm đầu thế kỷ 20 về trường đại học là gì và những ý tưởng đó đã phát triển như thế nào không nhất thiết phải mang lại sự khác biệt cho các trường đại học đô thị từng được hình dung vào năm 1914. Tuy nhiên, các trường đại học đã cố gắng cân bằng cả mô hình truyền thống và mô hình đại học đô thị [4].

Trong khi các trường đại học truyền thống khuyến khích chuyên môn hóa, thì các đại học đô thị thừa nhận nhu cầu kết nối liên ngành và các mối quan hệ là rất quan trọng để giải quyết các vấn đề đô thị [5]. Sự tham gia của sinh viên vào các dự án dựa vào cộng đồng nâng cao mối quan hệ giữa trường đại học và thành phố mà nó tọa lạc [6].

Mối quan hệ đối tác giữa trường đại học và cộng đồng là cần thiết cho một khuôn khổ trường đại học đô thị, đòi hỏi ít nhất hai việc quan trọng. Đó là 1) lập kế hoạch và cam kết xây dựng mối quan hệ lâu dài và lòng tin; và 2) công nhận tính tương hỗ của quan hệ đối tác và chuyên môn mà cộng đồng mang lại cho mối quan hệ [7]. Ngày nay, những nhà phát triển đại học đô thị tập trung nhiều vào việc làm thế nào để các tổ chức neo, bao gồm các trường đại học, bảo tàng và bệnh viện có thể hợp tác với doanh nghiệp, chính phủ, cư dân thành phố và những người khác để cùng nhau củng cố các thành phố [2]. Các thành phố cũng được khuyến khích nhìn nhận mình trong bối cảnh giáo dục bao trùm hơn là toàn cầu thay vì quốc gia [2].

3. Lược sử đại học đô thị trong hệ thống giáo dục Đại học Hoa Kỳ

3.1. Nhu cầu đại học tại các đô thị Mỹ và thể chế cho đại học đô thị

Trước khi Đạo luật Morrill năm 1862 ra đời, các trường đại học Hoa Kỳ chủ yếu nằm ở phía Đông và phản ánh quan điểm cổ điển về tri thức và giáo dục. Đặc biệt, họ phản ánh quan điểm cho rằng đời sống trí tuệ là vô tính, tồn tại ở một nơi không bị những phiền toái của cuộc sống hàng ngày, thường ở sau những bức tường cao, tập trung vào viễn kiến tinh hoa về kiến ​​thức, học tập và những điều quan trọng. Các thành phố không được coi là nơi lý tưởng cho các trường đại học. Các môi trường có tính nghiêm cẩn tách biệt được coi là môi trường ưu tiên cho việc học tập và giảng dạy [3, 7].

Nhờ Đạo luật Morrill Land Grant năm 1862, các bang mới đã được cấp đất mà họ có thể sử dụng để gây quỹ cần thiết nhằm thành lập các trường cao đẳng và đại học của bang. Các mục tiêu giáo dục đại học của đạo luật là tạo ra năng lực nghiên cứu và dịch vụ thuộc các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và cơ khí của nền kinh tế công, và quan trọng nhất là đưa giáo dục đại học đến gần hơn với những người không thể sống xa gia đình và cộng đồng của mình.

Có thể hình dung các trường đại học được cấp đất cũng như một phương tiện để ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám”, chủ yếu là sang bờ Đông, đồng thời thu hút những người từ các bang nông thôn tìm kiếm giáo dục đại học. Vào thời điểm thông qua đạo luật, chỉ có khoảng 20% ​​dân số quốc gia sống ở các khu vực thành thị. Ở các bang miền Tây, Nam và Trung Tây thậm chí còn ít hơn thế. Sau Nội chiến, Đạo luật Morrill lần thứ hai năm 1890 đã quy định tài trợ cho các trường đại học và cao đẳng dành cho người da đen ở các bang miền Nam, mặc dù không bằng số tiền được cấp từ năm 1862 [3, 9].

Các điều luật về cấp đất đã trở thành xương sống của giáo dục đại học Hoa Kỳ, giáo dục phần lớn người Mỹ đang tìm kiếm bằng đại học và sau đại học. Nó cho phép cư dân của các tiểu bang mới được kết nạp vào các liên minh làm nông, xây dựng và học tập mà không cần phải rời xa nơi cư trú. Sự tập trung vào “nông nghiệp và cơ khí” – cùng với sự hỗ trợ cụ thể của khu vực nhà nước và trường đại học nhằm mở rộng hoạt động kinh tế khu vực tư nhân, khả năng cạnh tranh và tìm kiếm lợi nhuận – đã trái ngược với giáo dục cổ điển được cung cấp tại các cơ sở giáo dục đại học tư nhân vào thời điểm đó.

Từ năm 1910 đến năm 1920, lần đầu tiên dân số Hoa Kỳ chủ yếu thuộc về thành thị và đô thị hóa. Đến năm 1914, các lớp học buổi tối và cuối tuần dành cho cư dân thành thị đã bắt đầu xuất hiện tại NYU, City College of New York, Johns Hopkins, University of Pittsburgh và các cơ sở giáo dục đại học khác. Cùng năm đó, Hiệp hội các trường đại học đô thị (AUU) được thành lập để thúc đẩy lợi ích của các trường đại học trong thành phố, các trường đại học tọa lạc trong thành phố và phục vụ nhu cầu của dân số đô thị hóa. Giống như dân số nông thôn được đề cập trong Đạo luật Morrill, các trường đại học thành thị nhận ra rằng mình nên phục vụ dân cư đô thị vốn không thể tìm đến các cơ hội giáo dục đại học ở khu dân cư xa nhà, gia đình và nơi làm việc [3, 10].

Tại cuộc họp đầu tiên của AUU, các trường đại học đô thị đã phát triển theo một cách rất khác so với các trường đại học khác: Họ dần trở nên linh hoạt và thiết thực hơn trong các chương trình của mình để đáp ứng nhu cầu của sinh viên, sử dụng thành phố như một phòng thí nghiệm lớn, nơi các giáo sư làm việc với người dân, và cung cấp kiến thức cho họ. Ví dụ, công trình nổi tiếng của John Dewey về giáo dục tiểu học và trung học tại Đại học Chicago thể hiện ý tưởng kết hợp lý thuyết và thực hành trong các trường đại học đô thị [11].

Charles William Dabney, người sáng lập AUU và là chủ tịch của Đại học Cincinnati, biết rằng các trường đại học thành thị có học phí phải chăng hơn và dễ tiếp cận hơn đối với những sinh viên muốn học đại học. Trong bài phát biểu đầu tiên của mình tại AUU, Dabney đã mô tả mối liên hệ giữa dân chủ và giáo dục đại học và cách các trường đại học có thể trở thành nguồn lực trí tuệ cho các thành phố, đáp ứng nhu cầu của người dân ở các trung tâm đô thị [11].

Sau cuộc Đại suy thoái và Chiến tranh thế giới thứ hai, các thành phố của Hoa Kỳ đã trải qua một chu kỳ tăng trưởng mới. Dân số đô thị hóa đã bị đình trệ ở mức khoảng 56% tổng dân số trong cả thập kỷ, từ năm 1930 đến năm 1940, nhưng đến năm 1970, gần 74% dân số Hoa Kỳ sống ở các khu vực thành thị.

Sự mở rộng nhanh chóng sau Thế chiến thứ hai của cả các thành phố và vùng ngoại ô, cùng với nạn phân biệt chủng tộc, sự tập trung của nghèo đói và suy thoái đã khiến các thành phố quay cuồng trong khó khăn. Trong khi những năm 1920 là thời đại của sự lạc quan về đô thị thì những năm 1950 lại mang đến cảm giác khủng hoảng đô thị mới [2]

Bắt đầu từ những năm 1950, ý tưởng đại học đô thị đã được mở rộng, thúc đẩy việc ứng phó với khủng hoảng đô thị và đáp ứng nhu cầu tiếp cận giáo dục đại học của người dân thành thị. Sứ mệnh phát triển của đại học đô thị mạnh mẽ hơn, gồm việc tăng cường áp dụng nghiên cứu và dịch vụ đại học để giúp giải quyết những thách thức cấp bách nhất mà thành phố nơi có đại học phải đối mặt. Đáng chú ý, kỳ vọng rằng sứ mệnh đại học đô thị không chỉ đơn giản ở một địa điểm thành thị, mà thay vào đó là sứ mệnh phát triển các mối quan hệ đối tác giữa trường đại học và cộng đồng của họ, đã nảy sinh vào thời điểm này. Tương tự, ý tưởng cho rằng sự thành công của trường đại học có mối liên hệ mật thiết với sự thành công của địa phương đã trở thành một phần trong kỳ vọng về cách một trường đại học đô thị sẽ hành xử. Bắt đầu từ năm 1959, Quỹ Ford bắt đầu tài trợ cho các sáng kiến ​​của trường đại học để giải quyết các vấn đề thách thức của thành phố, Quỹ Carnegie cũng vậy [2].

Trong suốt những năm 1960, các diễn giả của AAU đã nhiều lần nói về việc tạo ra các trường đại học “do đô thị tài trợ”, lặp lại mô hình và di sản của các trường đại học cấp đất trong và cho các khu vực nông thôn. Các cơ sở này sẽ nhận được tài trợ để giáo dục người dân thành thị dựa trên một chương trình giảng dạy tập trung vào các vấn đề đô thị. Một số nhà lãnh đạo và học giả cho rằng như vậy thì quá đơn giản, và các lõi đô thị phức tạp hơn và các trường đại học của họ cần một chương trình nghị sự tích hợp và liên ngành, trong khi các trường đại học được cấp đất tập trung chủ yếu vào nông nghiệp và “nghệ thuật cơ khí” [9].

Là một phần trong cuộc chiến chống đói nghèo của Tổng thống Johnson vào đầu những năm 1960, Đạo luật Giáo dục Đại học đã trở thành luật vào năm 1965, đảm bảo các nguồn lực cho các trường đại học để giải quyết các vấn đề về nghèo đói. “Phát biểu về tầm quan trọng của đạo luật này, tổng thống đã ví von: ‘Cũng như các trường cao đẳng và đại học của chúng ta đã thay đổi tương lai của các trang trại của chúng ta một thế kỷ trước, đại học đô thị giúp thay đổi tương lai của các thành phố của chúng ta.’ cho phép các quỹ lớn của Liên bang tăng cường các nguồn lực phục vụ cộng đồng và giáo dục thường xuyên ”[2].

Với Đạo luật Giáo dục Đại học được thông qua, ý tưởng về trường đại học tài trợ đô thị được tiếp tục tạo động lực. Năm 1967, Clark Kerr đã dựa trên mô hình cấp đất khi ông đề xuất rằng các trường đại học đô thị được hỗ trợ trực tiếp bởi chính phủ liên bang như các trường đại học đô thị trợ cấp. Kerr đề xuất thay vì cấp đất cho các bang, các trường đại học đô thị sẽ được hỗ trợ bởi nguồn tài trợ trực tiếp của liên bang, không thông qua các bang.

Kerr và những người khác đã xác định các trường đại học đô thị là một cơ hội quan trọng để đảm bảo các nguồn tài trợ mới cho các cơ sở thường bị bỏ qua và thiếu vốn [12]. Họ cũng coi lĩnh vực “nghiên cứu đô thị” như một con đường quan trọng để các trường đại học đô thị sử dụng nhằm đẩy nhanh sự phát triển của các phương thức và cách tiếp cận đa ngành thực sự cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng đô thị.

3.2. Các quan điểm chủ đạo về nghiên cứu và quản trị trong đại học đô thị

Cùng thời điểm với sự xuất hiện của ý tưởng trường đại học tài trợ đô thị, Robert Woods, giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đã đề xuất ý tưởng về nghiên cứu đô thị như một “phòng thí nghiệm lớn” dựa trên khoa học xã hội. Ý tưởng của Woods được nhiều nhà hoạch định chính sách ủng hộ, và vào năm 1966, ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng của Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị (HUD) mới của liên bang.

HUD đã làm việc với Liên đoàn các thành phố quốc gia vào năm 1968 để bắt đầu một chương trình nghiên cứu đô thị. Sáu thành phố đã được chọn trong số 58 thành phố được áp dụng, và bốn thành phố khác đã được thêm vào năm 1970. Chương trình yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành phố và các trường đại học đô thị của họ. Các trung tâm thử nghiệm đã điều tra nhiều lĩnh vực của đời sống đô thị, bao gồm quan điểm của người dân về thuế, dịch vụ, sự tham gia của thành phố và các vấn đề địa phương. Các giáo sư hợp tác với các quan chức thành phố, nhưng căng thẳng thường nảy sinh giữa nhu cầu tức thời của các nhà tài trợ thành phố và nhịp độ giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ học thuật [9].

Năm 1970, Tổ chức Đổi mới Kỹ thuật và Xã hội (OSTI) đã tiến hành xem xét 11 trường đại học đô thị để đi đến kết luận rằng không có trường nào đủ tiêu chuẩn tạo khác biệt với trường đại học truyền thống. OSTI định nghĩa “trường đại học đô thị” là một tổ chức cung cấp, thứ nhất, khả năng tiếp cận học tập cho cộng đồng địa phương; thứ hai, chương trình giảng dạy và bằng cấp tập trung vào việc mang lại lợi ích cho người dân thành phố địa phương; và thứ ba, hỗ trợ cho chính quyền và thành phố tại địa phương [13].

Năm 1980, Ernest Spaights, giáo sư tâm lý học tại Đại học Wisconsin – Milwaukee, đã phác thảo một khung đại học đô thị toàn diện và chi tiết đáp ứng các nhu cầu cụ thể của cộng đồng. Spaights cho rằng đại học đô thị phải dễ tiếp cận cả về mặt giáo dục và địa lý, và chương trình giảng dạy của nó phù hợp với mối liên hệ của trường đại học với thành phố. Các khóa học có thể được giảng dạy tại nhiều địa điểm, bao gồm cả các lớp học phụ đạo. Theo Spaights, mô hình đại học đô thị toàn diện cần tuyển dụng giảng viên là những học giả xuất sắc và cũng có lợi ích gắn kết cộng đồng. Các chương trình sau đại học nên được cung cấp khi chúng áp dụng cho quan điểm đô thị tổng thể và thiết kế chương trình giảng dạy. Tài trợ cho nghiên cứu của các giảng viên nên được tập trung vào các nỗ lực tập trung vào đô thị, tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu cộng đồng hơn là việc xuất bản các bài báo hàn lâm.

Spaights cảnh báo rằng các học giả theo định hướng thành thị sẽ có xu hướng không hợp với hệ thống phân cấp truyền thống của hệ thống đại học và có thể khó quản lý hơn. Sinh viên đại học thành thị cũng có xu hướng không theo truyền thống, đến từ các cộng đồng có thu nhập thấp hơn và tầng lớp lao động. Vì lý do này, các hoạt động tình nguyện dành cho sinh viên nên được ghi nhận. Sự chú ý đến sinh viên lớn tuổi bán thời gian – các lớp học ban ngày, ban đêm và cuối tuần – là rất quan trọng. Các sự kiện của trường đại học nên có sự tham gia của sinh viên với tư cách là người chủ động quan sát và góp ý tích cực. Cơ sở vật chất nên được chia sẻ với các nhóm cộng đồng khi không được sử dụng. Trường đại học đô thị nên là “cơ sở giáo dục thấm nhuần một nhiệt huyết học thuật về đô thị” và “kết quả của sự tập trung và nỗ lực như vậy sẽ làm nên một trường đại học đô thị có chất lượng” [8].

Vào đầu những năm 1990, với chi phí giáo dục đại học tăng cao và nền kinh tế gặp khó khăn, đã có những lời kêu gọi mới từ công chúng về trách nhiệm giải trình của các trường đại học [10]. Sheldon Hackney, hiệu trưởng Đại học Pennsylvania từ năm 1981 đến năm 1993, đã tuyên bố, “Chúng tôi sẽ được mong đợi đóng góp bằng những cách dễ hiểu trực tiếp vào giải pháp cho các vấn đề bức xúc của cộng đồng,… Đối với các trường đại học đứng tách mình khỏi nhiệm vụ phục hồi các cộng đồng của quốc gia, khi xã hội đã cho thấy rõ rằng đó là một ưu tiên cấp bách, sẽ không được chấp nhận ” [14].

Paige E. Mulhollan năm 1992 [10] nhấn mạnh rằng trường đại học đô thị là quan trọng đối với thời đại từ cả quan điểm lịch sử. Mulhollan mô tả Harvard và Đại học Michigan và UC Berkeley là các cơ sở nghiên cứu quốc gia, chứ không phải là các trường đại học đô thị mặc dù chúng nằm ở các khu vực đô thị. Bà xác định sứ mệnh của trường đại học đô thị là sứ mệnh bao hàm vai trò lãnh đạo trong việc giải quyết các vấn đề đô thị địa phương. Theo Mulhollan, kỳ vọng của công chúng đối với các trường đại học là giải quyết các vấn đề phức tạp của thành phố là có cơ sở, và các đại học đô thị tập trung nhu cầu của khu vực vào sứ mệnh và thực tiễn của nó là điều cần thiết [10].

Mulhollan một đại học đô thị sẽ thành công nếu ban lãnh đạo trường đại học tích cực thu hút sinh viên, giảng viên và nhân viên xung quanh khái niệm này. Tuy nhiên, vì giảng viên và sinh viên đã quen với các cơ sở giáo dục đại học truyền thống của các trường đại học nghiên cứu, việc tạo niềm tin với mô hình đại học đô thị sẽ là một thách thức. Trường đại học đô thị nên tự đo lường bằng các thước đo riêng của mình thay vì đo lường so với các trường đại học nghiên cứu, bởi vì chúng là những thực thể rất khác nhau [5, 10]. Năm 1990, “Tuyên bố về các trường đại học đô thị” đã được 49 trường đại học lập và ký. Tuy nhiên, không có kinh phí để hỗ trợ mô hình trường đại học đô thị, sứ mệnh của trường đại học đô thị bắt đầu lùi lại, cùng với việc đánh giá các trường đại học đô thị không phù hợp qua lăng kính trường đại học nghiên cứu [5, 10].

Claire Melhuish đã mô tả vai trò của các trường đại học ở châu Âu và Hoa Kỳ trong nửa đầu thế kỷ 20 trong việc hỗ trợ và duy trì lợi ích quốc gia của họ. Điều đó đã thay đổi vào cuối thế kỷ 20, khi các trường đại học thay đổi trọng tâm của họ trong thời kỳ hậu thực dân sang quan điểm toàn cầu kết hợp với mối liên hệ với môi trường đô thị địa phương của họ.

Các trường đại học trở thành mỏ neo cho hoạt động kinh tế của thành phố địa phương và các nút quốc tế, kết nối thành phố của họ với các thành phố khác trên toàn cầu thông qua học bổng quốc tế. Các trường đại học đã trở thành các tổ chức tân tự do, dựa vào các quỹ của các công ty và tự hình thành. Họ được kỳ vọng sẽ là những nhà lãnh đạo trong việc thúc đẩy một thị trường toàn cầu hóa, cạnh tranh, tập trung vào nghiên cứu thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển trong tương lai. Khi thế giới chuyển từ nền kinh tế công nghiệp hóa sang nền kinh tế dựa trên tri thức, các trường đại học thường là trung tâm của phong trào đó [15].

Judith Rodin từng là chủ tịch của Đại học Pennsylvania từ năm 1994 đến 2004. Với tư cách là chủ tịch, Rodin đã tìm cách sử dụng quyền lực của văn phòng của mình và sự giàu có của trường đại học để tạo ra một mối quan hệ mới và hiệu quả hơn với các khu vực lân cận. Một ủy ban về các sáng kiến ​​đô thị được thành lập có địa vị giống như các ủy ban hội đồng đại học cấp trên khác. Tất cả các bộ phận đã tham gia để thúc đẩy các cam kết của toàn trường đại học với khu vực lân cận. Tập trung lãnh đạo trong hành chính giúp giữ thế chủ động và trung tâm [16].

4. Mô hình đại học Công lập Portland (Portland State University – PSU): Quá trình hình thành và phát triển

4.1. Giới thiệu Đại học Công lập Portland

Đại học Công lập Portland là một trường đại học nghiên cứu công lập ở Portland, Oregon, Hoa Kỳ. Đại học Công lập Portland được thành lập vào năm 1946 ban đầu là một cơ sở giáo dục sau trung học cho các binh sĩ trở về từ Thế chiến II. Sau đó trãi qua quy chế của một trường cao đẳng cho tới năm 1969 chính thức được công nhận là trường đại học. Đây là trường đại học công lập duy nhất ở bang Oregon nằm trong một thành phố lớn. Ngày nay Portland State University được xếp vào nhóm đại học đô thị nghiên cứu.

Đại học Công lập Portland bao gồm bảy trường hợp thành, đào tạo 123 (một trăm hai mươi ba) lĩnh vực bậc đại học, và 117 (một trăm mười bảy) lĩnh vực đào tạo sau đại học. Cụ thể Đại học Công lập Portland có 7 trường lớn, gồm Trường Quản trị Kinh doanh, Trường Giáo dục, Trường Công tác Xã hội, Trường Chính sách Công  và Đô thị, Trường Nghệ thuật, Trường Kỹ thuật và Khoa học Máy tính Maseeh, Trường Khoa học và Nghệ thuật Tự do.

Đại học Công lập Portland ngày nay là một trường có thứ hạng cao về nghiên cứu. Đại học Công lập Portland được đánh giá là một trong những trường tốt nhất nước Mỹ ở khía cạnh quan tâm gắn kết cộng đồng và sáng tạo. Đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo về quản lý đô thị và chính sách công, Đại học Công lập Portland thường xuyên nằm trong top các trường tốt nhất ở Mỹ.

Nghiên cứu lịch sử hình thành phát triển của một Đại học Công lập Portland lớn mạnh và có tầm ảnh hưởng như ngày hôm nay, có thể nhận ra rằng đó là một quá trình đầy khó khăn. Để vượt qua những khó khăn đòi hỏi tầm nhìn của cả những nhà quản trị đại học lẫn những nhà lãnh đạo nhà nước bang Oregon và thành phố Portland bên cạnh tầm nhìn của những lãnh đạo Hoa Kỳ như đã nêu trong phần 2. Tầm nhìn đó thể hiển ở sự nhận ra cơ hội, nhận ra nhu cầu phát triển của bang trong quá trình phát triển của nước Mỹ. Từ đó họ (nhà nhà quản trị đại học và chính quyền Portland) có chiến lược thích hợp huy động được sự ủng hộ và nguồn lực của địa phương, cũng như thu hút được giảng viên từ các nơi đến để cùng phát triển Đại học Công lập Portland, từ đó phát triển thành phố Portland cả về hạ tầng cơ sở, văn hóa và về uy tín của chính địa phương và trường đại học.

4.2. Hoàn cảnh ra đời và phát triển

Đại học Công lập Portland được chính thức thành lập hay nói chính xác là chuyển đổi từ Trường Cao đẳng Công lập Portland (Portland State College – hay PSC) năm 1969.

PSC được thành lập vào năm 1946 như một cơ sở mở rộng của Hệ thống Giáo dục Đại học Bang Oregon nhằm phục vụ các quân nhân trở về sau chiến tranh (Thế chiến II), tìm kiếm giáo dục sau trung học nhờ Dự luật Quân nhân (GI Act). Gần như ngay lập tức, các cuộc tranh luận bắt đầu liên quan đến tương lai của PSC và vai trò nào, nếu có, sẽ được thực hiện bởi Trường Cao đẳng Bang Oregon và Đại học Oregon trong việc đáp ứng nhu cầu giáo dục đại học của vùng đô thị. Ban đầu tọa lạc tại Vanport, khuôn viên PSC sau đó đã bị tàn phá bởi trận lũ lụt thảm khốc vào năm 1948. Trước tiên, trường chuyển địa điểm đến Tập đoàn đóng tàu Oregon ở St. Johns và sau đó là tòa nhà Trung học Lincoln cũ ở South Park Blocks và đã phát triển khuôn viên của mình xung quanh tòa nhà đó kể từ đó.

PSC đã có sứ mệnh đô thị ngay từ đầu. Nó bắt đầu như một phần của Trung tâm nghề nghiệp Oregon, hoạt động trực tiếp bên ngoài văn phòng Thủ hiến, nhằm mang lại nền giáo dục đại học trực tiếp cho những người lính trở về và tạo điều kiện cho việc sử dụng các khoản trợ cấp học phí do Dự luật Quân nhân cung cấp. Quyền tiếp cận đại học, thành phần trung tâm của ý tưởng đại học đô thị, là nền tảng tồn tại Đại học Công lập Portland ngày nay, và ý tưởng rằng đây là một dạng định chế đặc trưng tính chất Portland đối với cả sinh viên và giảng viên.

Gordon Dodds, “Nhà sử học đại học” đầu tiên của Đại học Công lập Portland, đã nhận xét rằng bản thân các sinh viên hiểu giá trị và cơ hội được cung cấp cho họ trong cộng đồng nơi họ sống và làm việc [17].

Việc chuyển đổi Trung tâm Vanport Mở rộng thành Đại học Công lập Portland là một cuộc đấu tranh diễn ra trong 23 năm, từ khi thành lập vào năm 1946 cho đến khi chuyển đổi từ cao đẳng lên đại học vào năm 1969. Khi đó, không có trường đại học công lập nào khác trong tiểu bang muốn sự chuyển đổi này diễn ra, vì họ coi đó là sự cạnh tranh về nguồn lực, sinh viên và sự ủng hộ của công chúng. Chỉ những nhà vận động cộng đồng và lập pháp, cùng với đội ngũ lãnh đạo và giảng viên quyết tâm và tháo vát, mới có thể vượt qua sự phản đối của các tổ chức khác và các cựu sinh viên của họ [17].

Đối với các trường đại học khác, ban đầu PSC chỉ được cung cấp các khóa học mà sinh viên sau đó có thể đăng ký vào các chuyên ngành và bằng cấp tại các cơ sở khác. Thậm chí PSC được cho là sẽ không tồn tại được vì nhu cầu các quân nhân trở về sẽ giảm. Tuy nhiên, ngược lại thì PSC đã càng phát triển, cùng lúc với việc thiếu các cơ hội giáo dục đại học đầy đủ ở trung tâm đô thị đông đúc và lớn nhất Oregon.

4.3. Phát triển chương trình và vượt qua các phản đối

Tại lễ kỷ niệm năm 1955 đánh dấu cả sự thành lập của PSC và lễ nhậm chức của chủ tịch đầu tiên của trường, J. F. Cramer, trước một cuộc họp của những vị khách danh dự bao gồm thống đốc Oregon, thị trưởng Portland và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, Cramer ghi nhận “tầm quan trọng ngày càng tăng của các liên kết chặt chẽ giữa trường đại học đô thị và cộng đồng lớn hơn mà nó sinh sống” [17]. Ở giai đoạn rất sớm, cả ý tưởng tiếp cận và hợp tác ở trung tâm của ý tưởng đại học đô thị đều có tác dụng trong cơ sở giáo dục trẻ này.

Tiêu biểu cho cuộc đấu tranh liên tục của Portland là việc tạo ra chương trình giảng dạy cho chính PSC mới. Với việc PSC không còn là phần còn lại của hệ thống mở rộng, PSC đã phải trình bày chương trình giảng dạy mới của mình vào năm 1955 cho Thủ hiến bang phê duyệt. Nhận thức được sự ác cảm đối với PSC trong một phần của Đại học Oregon và các trường khác ở Oregon, thủ hiến đã chỉ định một ủy ban gồm các giảng viên của Đại học Oregon và các trường này duyệt các đề xuất của các khóa học PSC [17].

Việc thành phố đáp lại sự quan tâm của PSC đối với vị trí Portland của nó là điều hiển nhiên trong những năm đầu của trường đại học. Vào tháng 1 năm 1962, Thị trưởng Terry Schrunk đã viết thư cho Hội đồng Giáo dục Đại học Bang yêu cầu PSC xây dựng một “chương trình giảng dạy có cấp bằng trong lĩnh vực quy hoạch thành phố”. Thị trưởng Terry lưu ý rằng 2/3 dân số Hoa Kỳ sống ở các khu vực đô thị và con số này đang tăng nhanh.

Sự tăng trưởng lớn chưa từng có của cuộc sống đô thị này tạo ra một vấn đề đồng thời và cố hữu đối với các thành phố của Mỹ nói chung và Oregon nói riêng. Nếu các thành phố của Oregon có thể lập kế hoạch để sử dụng hiệu quả nhất không gian và cơ sở vật chất, các nhà quy hoạch thành phố được đào tạo về kỹ thuật phải sẵn sàng thực hiện các công việc cần thiết của nhân viên kỹ thuật. Khối lượng lớn các vấn đề đô thị mà Portland phải đối mặt đã cung cấp cơ sở tuyệt vời cho công việc thực địa. Những chương trình như vậy tại PSC sẽ mang lại lợi ích cho toàn bang khi phải đối mặt với những thách thức của đô thị hóa [18].

M. Swarthout, đã đáp lại các yêu cầu của thị trưởng Terry rằng PSC đã nghĩ từ vài năm trước về khả năng tập hợp lại dưới một mái nhà bán hành chính duy nhất i)) Một chương trình giảng dạy thích hợp về các vấn đề và quy hoạch đô thị; ii) Một tập hợp các hoạt động nghiên cứu thích hợp,… và iii) Một viện, thực hiện những hội thảo cho những người thích hợp ở Portland. Ông cho rằng với sự lãnh đạo năng động và phù hợp, PSC có thể thu hút cả tiền bạc và sự chú ý của địa phương – “Khi công sức và tiền bạc của chính chúng ta được bỏ ra chúng ta sẽ thành công” [19].

Như vậy, những nhà lãnh đạo địa phương và quản trị đại học đã nhận thấy vai trò của nghiên cứu đô thị, với tư cách là một nỗ lực liên ngành, sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa chương trình giảng dạy của một trường đại học truyền thống với các yêu cầu của thế giới đô thị và cuộc khủng hoảng đô thị đang diễn ra sau đó.

Trong một bài thuyết trình năm 1965 trước Tiểu ban Nghiên cứu và Giáo dục Sau Đại học của Hội đồng Điều phối Giáo dục cho Hệ thống Tiểu bang Oregon, Frederick Cox, Trưởng khoa Giáo dục Sau đại học đầu tiên của PSC, bắt đầu bằng cách lưu ý rằng giáo dục sau đại học sẽ chuyển sang “môi trường đô thị”, ngôi nhà của nhiều hơn hơn 70% dân số Hoa Kỳ. Ông nhắc nhở ủy ban rằng:

Văn hóa, thương mại và chính phủ làm cho ngôi nhà của họ trong thành phố trở nên phức tạp và thu hút sức sống của họ từ đó. Nguồn kiến ​​thức cộng đồng của họ là trường cao đẳng đô thị, với chương trình cộng đồng về dịch vụ, nghiên cứu và học tập,… Khu vực đô thị Portland là duy nhất khi thiếu trường đại học được nhà nước hỗ trợ với đầy đủ các chương trình, nghiên cứu sau đại học và sau đại học. Nhiều cơ quan đã chỉ ra sự thiếu hụt này [20].

Cox tiếp tục gợi ý rằng, như Chủ tịch PSC Millar đã nói, sự xuất hiện của PSC với tư cách là một tổ chức “tài trợ của thành phố”, được mô hình hóa dựa trên việc cấp đất, có thể tạo ra một tập hợp tất cả các trường cao đẳng và đại học trong khu vực để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.

Một cơ sở giáo dục nhà nước, được chỉ định là trường cao đẳng do thành phố cấp, có thể bao gồm các nguồn lực của mình trong ba lĩnh vực đô thị sau đây: i) Trong giảng dạy, với việc phát triển các khóa học và chương trình chuyên biệt, phân công nhân viên cùng lập kế hoạch và giảng dạy, tạo ra các phương pháp tiếp cận liên ngành và phát triển các chuyên ngành mới, và mang “ý thức đô thị” nói chung cho giảng viên và sinh viên; ii) Trong nghiên cứu, với việc phát triển các dự án đặc biệt về các vấn đề của cộng đồng địa phương dựa trên kiến ​​thức sẵn có và có thể được phát triển; và iii) Mở rộng, với nhiều dịch vụ cộng đồng bao gồm các dự án hợp tác với các cơ quan tư nhân và nhà nước và các nhóm xã hội, hội nghị, giáo dục thường xuyên, và phát triển đào tạo học nghề và
tại chức.

Những mục tiêu này phù hợp với điều kiện cơ bản của PSC là một tổ chức đô thị công lập được thành lập để phục vụ một cộng đồng đô thị cụ thể,… Cuối cùng, Portland là một phòng thí nghiệm lý tưởng do nhà nước tài trợ, để phát triển thử nghiệm các khái niệm giáo dục mới mẻ này: đủ lớn để có nhiều vấn đề, nhưng đủ nhỏ để chúng được xác định rõ, nắm bắt và xử lý một cách khá toàn diện, như một tổng thể [20].

4.4. Đại học Công lập Portland và Kế hoạch trung tâm Thành phố 1972 (Portland Downtown Plan 1972)

Như đã giới thiệu, việc tìm hiểu của nhóm tác giả đúng vào thời điểm Đại học Công lập Portland kỷ niệm 50 năm ngày ra đời của Kế hoạch trung tâm thành phố Portland (Portland Downtown Plan 1972). Kế hoạch trung tâm Portland được cho là nền tảng để phát triển cả khu vực thành thị Portland và đại học Đại học Công lập Portland. Đại kế hoạch đô thị của Portland này sự minh định vai trò của Đại học Công lập Portland đối với sự phát triển toàn diện của thành phố theo nghĩa rộng, xác định Đại học Công lập Portland là đại học đô thị của Portland và cho Portland. Phần này sẽ lược khảo lại những minh định về vai trò của Đại học Công lập Portland trong kế hoạch, từ đó cho thấy mối quan hệ tương hỗ giữa thành phố và Đại học Công lập Portland, cũng như cho thấy ảnh hưởng quyết định của một sách lược phát triển đô thị của chính quyền Portland.

Trong khái niệm “Kế hoạch trung tâm thành phố”, “trung tâm” có đặc điểm chung là:

Là một khu vực có nhiều hoạt động cả ngày lẫn đêm cho cả chức năng giáo dục và cộng đồng, khu Đại học được xác định rõ ràng bởi chức năng và thiết kế thể chế. Mặc dù Đại học nên có bản sắc riêng của mình, nhưng mọi nỗ lực cần được thực hiện để tích hợp hoạt động của nó vào trung tâm [1].

Kế hoạch Trung tâm Thành phố Portland năm 1972 được thông qua đã đưa quan điểm về đại học đô thị đối với Đại học Công lập Portland, và Đại học Công lập Portland là trường đại học đô thị của Portland, vào chính sách chính thức của Thành phố. Tác động của kế hoạch là rất rõ ràng, dẫn đến việc một khu trung tâm đã có nhiều bước đi đúng đắn [21, 22]. Không có gì ngạc nhiên khi ngôn ngữ của “trường đại học đô thị” và những kỳ vọng về một trường đại học đô thị trong nỗ lực lập kế hoạch năm 1972 này: Portland sử dụng các khái niệm, ngôn ngữ và hình ảnh của trường đại học đô thị nhằm phân biệt nó với các trường cao đẳng và đại học tại Oregon.

Sự phát triển của Đại học Công lập Portland và vai trò của nó trong cộng đồng đã được tiếp tục phát huy kể từ Kế hoạch Downtown 1972. Năm 1972, Nohad Toulan, “cha đẻ” của Trường Đại học Đô thị và Chính sách công của Đại học Công lập Portland, được bổ nhiệm để quản lý danh mục các nghiên cứu, gồm các nghiên cứu về đô thị và các sáng kiến ​​phục vụ cộng đồng của trường đại học. Ngoài việc phát triển Trường Quy hoạch và Nghiên cứu Đô thị, được đặt theo tên ông ngày nay, và xây dựng Trường Đô thị và Chính sách công trong khoảng thời gian ba thập kỷ, ông còn tích cực thay mặt cho sự phát triển của chính PSU, đóng vai trò chủ tọa của cả Ủy ban Kế hoạch cho Kế hoạch Phát triển Đại học Công lập Portland năm 1979, nỗ lực lập kế hoạch chiến lược vào đầu những năm 1980 đã kêu gọi Đại học Công lập Portland trở thành một “trường đại học nghiên cứu toàn diện” [17]. Tinh thần này đã gồm cả cam kết đối với con đường đại học truyền thống trong Đại học Công lập Portland cũng như không ngừng bảo vệ Đại học Công lập Portland khỏi những nỗ lực của các bang khác trong việc cho rằng Đại học Công lập Portland không là một trường đại học toàn diện.

Năm 1991, Chủ tịch Đại học Công lập Portland Judith Ramaley khởi xướng và ủng hộ một Kế hoạch Chiến lược Đại học Công lập Portland, đã tinh chỉnh các quan điểm về sứ mệnh đô thị và gói gọn nó trong tuyên bố sứ mệnh của trường đại học nhằm mang đến cho Đại học Công lập Portland những cơ hội lãnh đạo và phát triển chưa từng có trong lịch sử của nó. Tầm nhìn mới cho Đại học Công lập Portland xác định Đại học Công lập Portland sẽ ngày càng đóng vai trò là trung tâm của mạng lưới giáo dục, phát triển các nhà lãnh đạo trong tương lai và đảm bảo quyền truy cập cho tất cả công dân trong khu vực ở mọi giai đoạn trong cuộc sống của họ.

Như vậy, Portland State University, với tư cách là một tổ chức đô thị, có sứ mệnh mở rộng ra ngoài phạm vi của trường đại học truyền thống. Giống như bất kỳ trường đại học lớn nào, nó duy trì cam kết về học thuật xuất sắc trong các chương trình nghiên cứu, giảng dạy và dịch vụ của mình. Đồng thời Trường cũng cam kết giải quyết các vấn đề đô thị phức tạp mà chỉ có thể được phục vụ thông qua các loại chương trình đa ngành vốn là dấu ấn của đô thị Portland. Bối cảnh đô thị cung cấp cả cơ hội và nghĩa vụ để dự phóng những nguồn năng lượng đáng kể vượt ra ngoài các bức tường thể chế, để tập hợp các học giả và các nhà lãnh đạo cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng [23].

Ngoài ra, sứ mệnh của Đại học Công lập Portland còn là nâng cao chất lượng dân trí, xã hội, văn hóa và kinh tế của cuộc sống đô thị bằng cách cung cấp khả năng tiếp cận trong suốt cuộc đời nền giáo dục khai phóng chất lượng cho sinh viên đại học và một loạt các chương trình chuyên nghiệp và sau đại học phù hợp, đặc biệt liên quan đến khu vực đô thị. Trường sẽ tích cực thúc đẩy phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục phục vụ cộng đồng và sẽ thực hiện các nghiên cứu và phục vụ cộng đồng để hỗ trợ một môi trường giáo dục chất lượng cao và phản ánh các vấn đề quan trọng đối với vùng đô thị [23].

Kế hoạch Chiến lược cam kết Đại học Công lập Portland sẽ có những kết nối cộng đồng sâu sắc hơn nữa, không chỉ trong thành phố mà trong toàn vùng đô thị.

Đại học Công lập Portland, ngay từ khi thành lập, vừa là trường trong thành phố, vừa là của thành phố. Trường đã tìm kiếm lợi thế từ việc hợp tác với các tổ chức, cơ quan và các bộ phận của cộng đồng trong thành phố,… Trong vòng 5 năm tới, Đại học Công lập Portland sẽ mở rộng và làm sâu sắc hơn sự hợp tác như vậy, tích cực tiếp cận cộng đồng để giúp xác định nhu cầu và các điểm của hành động chia sẻ hữu ích. Nó làm như vậy để đáp ứng nhu cầu bức thiết của khu vực [23].

Với ý thức đổi mới về sứ mệnh đô thị của mình, Đại học Công lập Portland đã áp dụng phương châm quen thuộc của mình, “Hãy để Tri thức phục vụ Thành phố”. Như trường hợp trong suốt lịch sử của Khu vực đô thị Portland, Kế hoạch Chiến lược này nhằm phân biệt Đại học Công lập Portland và sứ mệnh của nó trong bang với những tổ chức giáo dục đại học, đồng thời cung cấp cho Đại học Công lập Portland đòn bẩy cần thiết để thực hiện cả cải cách nội bộ và tái tổ chức bên ngoài.

Thành phố Portland cũng đã tiếp tục lập kế hoạch. Năm 1988, Quy hoạch Thành phố Trung tâm được thông qua để thừa nhận sự lan rộng của các chức năng và hoạt động của trung tâm thành phố ở phía bắc, phía nam và phía đông của khu vực được đề cập trong kế hoạch năm 1972. Vào năm 2020, Portland đã thông qua tầm nhìn Thành phố Trung tâm 2035 (Central City 2035), đánh giá lại các mục tiêu của trung tâm thành phố dựa trên sự tăng trưởng kinh tế và nguồn lực của khu vực trung tâm lớn hơn. Trong khi Đại học Công lập Portland được đề cập đến với tư cách là trường đại học đô thị trong kế hoạch năm 1972, nó được xác định chủ yếu như một lãnh địa thực tế đối với chính nó trong những nỗ lực hiện đại hơn này. Điều này có thể xuất phát từ tính chất quy hoạch thay đổi và kỳ vọng đối với những gì quy hoạch trung tâm thành phố đề ra, hoặc sự thay đổi trong các mối quan hệ cơ bản giữa Đại học Công lập Portland và khu vực, hoặc cả hai. Trong mọi trường hợp, sự tham gia của Đại học Công lập Portland thông qua giảng dạy, nghiên cứu và dịch vụ đã càng lớn mạnh trong giai đoạn này.

4.5. Đại học đô thị – nghiên cứu Đại học Công lập Portland ngày nay

Qua nghiên cứu và khảo sát, phỏng vấn thực tế với các thành viên của Đại học Công lập Portland từ giảng viên đến sinh viên và các nhà quản trị, các tác giả nhận thấy rằng Đại học Công lập Portland đặc biệt gắn kết các mặt hoạt động, từ nghiên cứu đến giảng dạy và tư vấn chính sách, với sự phát triển của cộng đồng đô thị ở Portland và càng lúc mở rộng ra toàn quốc và quốc tế. Có thể cho rằng những đặc điểm này cũng là tiêu chuẩn của một đại học muốn phấn đấu trở thành một đại học đô thị kiểu mẫu nói chung. Sau đây là năm tính chất chính đúc kết được từ Đại học Công lập Portland có thể được xem là những điểm chính của một đại học đô thị:

  1. i) Một trường đại học đô thị nằm trong một thành phố và/hoặc vùng đô thị, cả về mặt vật chất và tâm trí của sinh viên, nhân viên, giảng viên, ban lãnh đạo, đồng nghiệp, và các đối tác trong ngành;
  2. ii) Đại học Công lập Portland được tổ chức xung quanh việc tích hợp các nhu cầu và nguyện vọng của cộng đồng đô thị vào các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và dịch vụ và thực hiện các hoạt động đó bất cứ khi nào có thể thông qua quan hệ đối tác trong phạm vi trường đại học/cộng đồng và trên các lĩnh vực công, tư và phi lợi nhuận;

iii) Đại học Công lập Portland là một trường đại học đô thị cam kết cung cấp cho người dân thành thị cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học gần nơi họ sống, làm việc, có gia đình và các mạng lưới hỗ trợ khác, đồng thời chuẩn bị cho sinh viên của của mình trở thành những người tham gia thành công vào nền kinh tế địa phương và là những thành viên có giá trị của cộng đồng;

  1. iv) Đại học Công lập Portland là một trường đại học đô thị nhận thức được các mục tiêu có thể xung đột của trường đại học nghiên cứu và trường đại học đô thị. Từ đó cam kết sắp xếp lại các chính sách động viên và khuyến khích, các hoạt động kinh doanh và lập kế hoạch, con đường sự nghiệp, tiêu chí tuyển dụng và các yếu tố khác cần thiết để đảm bảo rằng trường đại học đô thị là tổ chức giáo dục bậc cao đặc biệt cho sứ mệnh đô thị;
  2. v) Đại học Công lập Portland là một trường đại học đô thị tập trung vào thực tế liên ngành của cuộc sống đô thị và hành động để đảm bảo rằng các quan điểm đại học truyền thống không cản trở việc xây dựng các phương pháp tiếp cận liên ngành cần thiết để giải quyết các nhu cầu của cộng đồng đô thị đương đại.

5. Mô hình đại học đô thị ở Việt Nam – nhận xét và hàm ý ứng dụng

5.1. Quá trình đô thị hóa là tất yếu và đòi hỏi nghiên cứu và giảng dạy quá trình này ở bậc cao và tập trung

Việt Nam là quốc gia đang phát triển từ một đất nước nông nghiệp là chủ yếu. Việc mở rộng thành thị hay đô thị hóa là một quá trình tất yếu. Quá trình này là một quá trình động vì gồm ngày càng nhiều hơn các vấn đề cần phải liên tục giải quyết. Đô thị hóa dẫn đến các xáo trộn xã hội, tất cả các lĩnh vực của đô thị như một quốc gia thu nhỏ. Đầu tư cơ sở hạ tầng, sinh kế cho dân cư từ nông thôn ra thị thành, các vấn đề về nhập cư, xã hội học, tội phạm học, sức khỏe và môi trường,… không thể được nghiên cứu và hình thành các quy hoạch, chính sách rời rạc mà cần có một sự tập hợp mang tính tổng thể. Quá trình đô thị hóa và tỷ trọng dân thành thị ngày càng tăng tuy dẫn đến nhiều hệ lụy nhưng vẫn là một quá trình tất yếu. Từ đó, việc phát triển các đại học đô thị và định hướng lại các đại học – tập trung hơn vào các vấn đề đô thị – nên là một chiến lược lớn vừa nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình mở rộng đô thị nói riêng và phát triển kinh tế đất nước nói chung.

5.2. Định hướng tận dụng/khai thác tiềm năng nghiên cứu các vấn đề địa phương

Các đại học lớn của Việt Nam nằm chủ yếu ở ở các đô thị lớn. Tuy hầu hết tọa lạc tại đô thị như đã phân tích, các đai học lớn ở Việt Nam thường ít gắn kết để giải quyết các vấn đề của ngay tại địa phương. Điều này có thể được (các đại học này) giải thích rằng họ định hướng nghiên cứu. Lập luận và giải thích như vậy tuy không sai nhưng chưa toàn diện về đại học. Vì có thể nói, một mặt các đại học ở các thành phố lớn tồn tại và phát triển khá độc lập với địa phương/đô thị mà trường tọa lạc, các hoạt động nghiên cứu thiếu gắn kết thực tế địa phương và nặng lý thuyết; đối tượng đào tạo là không tập trung vào phát triển nguồn lực địa phương. Mặt khác, chính việc tập trung nghiên cứu cũng không thực sự mang lại kết quả do định hướng tham khảo thường là các đại học lớn trên thế giới trong khi thực lực còn rất xa, chưa đủ tầm nên dẫn đến việc vừa lãng phí đầu tư vừa lãng phí tiềm năng các vấn đề cần được nghiên cứu ở địa phương. Như vậy, hiểu biết nhiều hơn về các đại học đô thị tại Mỹ trong bối cảnh địa phương của họ như trường hợp Đại học Công lập Portland và sự phát triển thành phố Portland có thể là bước đầu để định hướng phát triển các đại học địa phương ở Việt Nam, từ đó giải quyết tốt các vấn đề đô thị hóa của địa phương, vốn không cản trở mà còn thúc đẩy nghiên cứu.

Đối với các đại học quy mô nhỏ hơn tại các tỉnh thành, do thiếu hiểu biết về mô hình đại học đô thị, các đại học này chỉ cố gắng là bản sao thu nhỏ của các đại học lớn hơn, chứ không tập trung tận dụng lợi thế, đặc trưng địa phương trong việc phát triển chính mình, từ đó mở rộng uy tín và sự ảnh hưởng của mình.

Mô hình đại học đô thị có thể nói vừa phù hợp với hoàn cảnh phát triển kinh tế của đất nước, vừa phát huy được thế mạnh, sự độc đáo, đặc trưng của địa phương, vừa hạn chế hao phí nguồn lực do chỉ tập trung vào phát triển các nghiên cứu như đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu trong hoàn cảnh bản thân không hay chưa đủ nguồn lực và năng lực.

6. Kết luận và kiến nghị

Có thể thấy việc nhận ra các vấn đề của địa phương, đặc biệt gắn với quá trình đô thị hóa trong phát triển kinh tế là nền tảng cho chiến lược hình thành và phát triển các đại học đô thị có ý nghĩa quyết định. Sự nhận thức này sẽ thúc đẩy tầm nhìn của các nhà quản trị đại học và của lãnh đạo địa phương. Từ tầm nhìn sẽ dẫn đến việc xác định các vấn đề cần giải quyết cũng như lộ trình phát triển đại học đô thị vừa nhằm giải quyết các vấn đề của đô thị một cách toàn diện và khoa học, đồng thời phát triển kinh tế xã hội của đô thị, phát triển đất nước.

Từ tầm nhìn nêu trên, lãnh đạo địa phương cùng các trí thức và các nhà quản trị đại học từng bước cải tổ các đại học hiện có trên ở địa phương. Xác định các vấn đề của địa phương trong bối cảnh địa phương và hiểu biết toàn cầu về các vấn đề đó.

Trên cơ sở hiểu biết đó, địa phương cần chủ động liên kết với các đại học đô thị ở các nước phát triển để thúc đẩy quá trình hợp tác trong cách tiếp cận và giải quyết các vấn đề địa phương, cũng như trong việc khai thác nguồn lực tại địa phương để xây dựng các đại học.

Như vậy, các đại học quy mô nhỏ tại các tỉnh thành, không nhất thiết cố gắng là bản sao thu nhỏ của các đại học tại các thành phố lớn, mà cần tập trung tận dụng lợi thế, đặc trưng địa phương trong việc phát triển chính mình, từ đó mở rộng uy tín và sự ảnh hưởng của mình.

Nhà nước cần quan tâm và hỗ trợ các địa phương thông qua các chính sách khuyến khích lãnh đạo địa phương, trí thức và các doanh nghiệp lớn có tầm nhìn đầu tư vào sự phát triển của các đô thị địa phương mà việc đầu tư vào các đại học đô thị tại đó giữ vai trò nền tảng.

Lời cảm ơn

Nhóm nghiên cứu trân trọng ghi nhận sự tài trợ của Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID), trong dự án nâng cao năng lực địa phương tại Việt Nam và cho việc tìm hiểu đại học Portland và khu vực Portland. Trân trọng ghi nhận sự hỗ trợ của lãnh đạo Đại học Công lập Portland (Portland State University), của Trường Nghiên cứu Đô thị và Chính sách công. Nhóm nghiên cứu biết ơn những đóng góp quý báu, chia sẻ tài liệu của Cô Kimberly Nightingale trong suốt quá trình thực hiện nghiên cứu và khảo sát tại Đại học Công lập Portland.

Tài liệu tham khảo

  • [1] City of Portland, Planning Guidelines: Portland Downtown Plan, 1972, pp. 74,

https://www.portland.gov/sites/default/files/2020-02/downtown-plan-1972.pdf/, 2020 (accessed on: December 28th, 2021).

  • [2] J. Diner, Universities and Their Cities: Urban Higher Education in America, Johns Hopkins University Press, 2017, pp. 92-93,

https://doi.org/10.1353/book.51738.

  • [3] Severino, The Idea of an Urban University: A History and Rhetoric of Ambivalence and Ambiguity, Urban Education, Vol. 31, No. 3, 1996, pp. 291-313,

https://doi.org/10.1177%2F0042085996031003004.

  • [4] B. Waetjen, J. A. Muffo, The Urban University: Model for Actualization, The Review of    Higher Education, Vol. 6, No. 3, 1983.
  • [5] A. Ramaley, Large-Scale Institutional Change to Implement an Urban University Mission: Portland State University, Journal of Urban Affairs,Vol. 18, No. 2, 1996, pp. 139-151,

https://doi.org/10.1111/j.1467-9906.1996.tb00370.x.

  • [6] H. Fouad, P. A. Pino, A. J. Sullivan, M. N. Fouad, Urban Universities and Community Revitalization Efforts: Opportunities for Student Engagement and Education, 2020 ASEE Virtual Annual Conference Content Access, Virtual On line, 2020, https://doi.org/10.18260/1-2–35437.
  • [7] J. Yates, M. Accardi, Field Guide for Urban University-Community Partnerships, Thriving Cities Lab, University of Virginia, 2019, https://iasculture.org/research/publications/thriving-cities-field-guide/, 2019 (accessed on: December 28th, 2021).
  • [8] Spaights, Toward a Definition of an Urban University, Urban Education, Vol. 15, No. 3, 1980, pp. 369-374,

https://doi.org/10.1177%2F0042085980153005.

  • [9] J. Diner, The Land-Grant Analogy and the American Urban University: An Historical Analysis, Metropolitan Universities, Vol. 23,
    No. 3, 2012, pp. 61-77.
  • Mulhollan, Aligning Missions with Public Expectations: The Case of Metropolitan Universities, Metropolitan Universities, Vol. 3, No. 2, 1992, pp. 62-68.
  • B. Crooks, The AUU and the Mission of the Urban University (EJ275652), Urbanism Past and Present, Vol. 7, No. 14, 1982, pp. 34-39.
  • Kerr, The Urban-Grant University: A Model for the Future [Lecture], Centennial Meeting of The City College Chapter of Phi Beta Kappa, New York, 1967,

https://eric.ed.gov/?id=ED025198/, (accessed on: December 28th, 2021).

  • W. Woffard, Urban Universities: Rhetoric, Reality, and Conflict (No. ED03986), Organization for Social and Technical Innovation, ERIC, 1970, pp. 3

https://files.eric.ed.gov/fulltext/ED039861.pdf/, (accessed on: December 28th, 2021).

  • Wiewel, V. Carlson, S. Friedman, Planning the New Urban University: The Role of Planning Departments, Journal of Planning Education and Research, Vol. 16, No. 2, 1996, pp. 127-135, https://doi.org/10.1177/0739456X9601600205.
  • Melhuish, A Place for the Unexpected, Integrated into the City Structure: Universities as Agents of Cosmopolitan Urbanism, National Identities, Vol. 22, No. 4, 2020, pp. 423-440,

https://doi.org/10.1080/14608944.2018.1498472.

  • Rodin, The 21st Century Urban University: New Roles for Practice and Research, Journal of the American Planning Association, Vol. 71, No. 3, 2005, pp. 237-249,

https://doi.org/10.1080/01944360508976696.

  • B. Dodds, The College that would not Die: The First Fifty Years of Portland State University 1946-1996, Oregon Historical Society Press with Portland State University, 2000, pp. 96, 98, 437.
  • Schrunk, Letter to the Oregon State Board of Higher Education, Portland State University Archives (Box 13, Folder 51), Portland, OR, United States, 1962.
  • M. Swarthout, Memo to Branford P. Millar, Portland State University Archives (Box 13, Folder 51), Portland, OR, United States, 1962.
  • Cox, Presentation to the Sub-Committee on Research and Graduate Education of the Educational Coordinating Council, State of Oregon, Portland State University Archives (Box 15, Folder 34), Portland, OR, United States, 1965.
  • Abbott, G. Pagenstecher, B. Parrot, From Downtown Plan to Central City Summit: Trends in Portland’s Central City, 1970-1998, Portland Regional Planning History, 1998, https://pdxscholar.library.pdx.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1003&context=oscdl_planning/, (accessed on: December 28th, 2021).
  • Seltzer, The why of Portland: Summary Findings of a Project for and Funded by the Knight Foundation, Knight Foundation, 2014, https://lawsdocbox.com/123586085-Politics/The-why-of-portland-summary-findings-of-a-project-for-and-funded-by-the-knight-foundation-ethan-seltzer-november-2-2014.html/, (accessed on: December 28th, 2021).
  • Portland State University Strategic Planning Committee, Creating the Urban University of the 21st Century: Portland State University Strategic Plan, Phase 1, Portland State University, 1991,
    7-14.

Tin liên quan

ĐH Kinh tế TP HCM đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực công

Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) tích cực liên kết quốc tế để đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu...

Đại học Kinh tế TPHCM: Nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công ở Việt Nam

Với bề dày gần 50 năm hình thành và phát triển, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Đại học Kinh tế...

Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Quản lý Nhà nước – Những đóng góp vượt bậc cho khu vực công tại phía nam đất nước

Ngày 24/02/2024, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Quản lý Nhà nước. Đây...

Chương trình thiện nguyện và kết nối cộng đồng “Ánh Nắng Mùa Xuân 2024” nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Quản lý Nhà nước (2014 – 2024)

Nằm trong chuỗi sự kiện Chào mừng Kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Quản lý Nhà nước (27/02/2014-27/02/2024), vào sáng ngày 17/02/2024 tại trụ sở UBND xã Hòa Xuân...

Đoàn sinh viên Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH và Phân hiệu Vĩnh Long tham gia chương trình trao đổi học thuật và giao lưu văn hóa tại Đại học Khon Kaen, Thái Lan (KKU)

Ngày 20/12/2023 đến ngày 28/12/2023, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) và Đại học Khon Kaen, Thái Lan (KKU) đã phối hợp tổ chức chương trình...

MỞ ĐƠN ĐĂNG KÝ | CHƯƠNG TRÌNH TRAO ĐỔI QUỐC TẾ – CHỦ ĐỀ ROADMAP TOWARDS SUSTAINABLE DEVELOPMENT GOALS TẠI ĐH KHON KAEN, THÁI LAN THÁNG 12.2023

Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (UEH-CELG) chính thức MỞ ĐƠN ĐĂNG KÝ chương trình Trao đổi giảng viên và sinh viên quốc tế giữa UEH-CELG và...